GS Nguyễn Lân Dũng: Thực phẩm biến đổi gen an toàn với người tiêu dùng

0

Cây trồng biến đổi gen (BĐG) hay thực phẩm biến đổi gen là một thành tựu của các nhà khoa học trên thế giới phát minh từ đầu những năm 1980. Cho đến nay, đã có nhiều nước ứng dụng cây trồng này, dẫn đầu là Mỹ với diện tích lên tới hàng trăm triệu ha. Tại Việt Nam, gần đây Bộ NN&PTNT đã chính thức công nhận một số giống ngô BĐG vào danh mục được phép sử dụng tại nước ta và đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

 

gs nguyen lan dung thuc pham bien doi gen an toan voi nguoi tieu dung
GS. Nguyễn Lân Dũng

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn ý kiến băn khoăn về sự an toàn đối với thực phẩm biến đổi gen, nhất là cho người tiêu dùng. Để làm rõ vấn đề này, PV đã phỏng vấn GS. Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Các ngành Sinh học Việt Nam.

Thưa GS, gần đây dư luận đã có nhiều thông tin phản biện về việc Bộ NN&PTNT cho phép sản xuất cây trồng BĐG tại Việt Nam. Đứng ở góc độ của một nhà khoa học, xin GS cho biết cụ thể vì sao lại gọi là BĐG và sự biến đổi đó diễn ra như thế nào?

– Tôi cho rằng, đầu tiên là ở tên gọi, cách gọi cây trồng BĐG có thể dẫn đến hiểu nhầm. Thực tế, trong thiên nhiên vẫn xảy ra những sự kiện BĐG nhằm mục đích có lợi cho tiến hóa, nhưng sự biến đổi trong thiên nhiên rất chậm, diễn ra trong hàng trăm, hàng nghìn năm hoặc lâu hơn nữa. Còn BĐG mà chúng ta đang nói chỉ hoàn thành trong vài năm do có sự chủ động của con người nhằm mục đích có lợi cho con người. BĐG là chuyện bình thường, nhưng nông dân mới nghe thấy BĐG thì sợ. Từ “biến đổi gen” không phải do chúng ta nghĩ ra mà do thế giới đặt tên.

Hiện nay, các nhà khoa học đề nghị gọi là cây trồng công nghệ sinh học. Đây là ứng dụng quan trọng của con người, nếu không ứng dụng thì rất lãng phí, cần phải nhấn mạnh đây là thành tựu lớn của nhân loại. Từ năm 1982 mới bắt đầu có khái niệm cây trồng BĐG, bắt đầu từ cây thuốc lá với việc tạo ra kháng sinh, sau đó đến năm 1986 là kháng thuốc diệt cỏ ở cây thuốc lá. Ở ruộng thí nghiệm với cây được cấy gen kháng thuốc trừ cỏ, phun 2 lần cỏ chết mà ngô không chết, điều này góp phần nâng cao năng suất cây ngô, trong khi trước đó nếu phun thuốc trừ cỏ 2 lần có thể làm ngô hoặc cây thuốc lá bị chết.

Như GS đã nói, trong thiên nhiên sự biến đổi gen vẫn diễn ra nhưng chậm và để nhanh hơn, con người đã can thiệp vào quá trình này. GS có thể nói rõ hơn, sự can thiệp đó diễn ra như thế nào?

– Cây trồng công nghệ sinh học là do giống cây trồng được chuyển gen trừ sâu của vi khuẩn Bacilus thuringiensic (Bt). Đây là gen tuyệt đối an toàn với con người vì tinh thể chứa độc tố chỉ vỡ ra ở môi trường PH kiềm mà đường tiêu hóa của người, gia súc gia cầm có tiêu hóa rất axit. Khi đưa vào cây ngô, nếu sâu cắn vào lá ngô, coi như sâu “tự tử” bởi vì ngô mang gen tạo ra độc tố làm sâu chết, tuy nhiên vẫn tuyệt đối an toàn với người và gia súc gia cầm.

GS có nói, nếu sâu cắn vào lá ngô, sâu sẽ chết, vì trong ngô có độc tố làm sâu chết. Vậy tại sao, GS lại nói là vẫn tuyệt đối an toàn đối với người và gia súc?

– Hiện nay người ta dùng vi khuẩn Bt này để làm thuốc trừ sâu sinh học, mà thuốc sinh học khác hẳn thuốc trừ sâu hóa học, vì nó rất an toàn. Còn với gen của vi khuẩn Bt, đã có nhiều sinh viên Mỹ tình nguyện làm thí nghiệm nuốt thử vi khuẩn này và cho thấy nó không thể phá vỡ tinh thể trong đường tiêu hóa. Do đó, người ta đã nghiên cứu rất kỹ mới quyết định dùng gen tạo ra tinh thể chứa độc tố chỉ có tác hại với sâu mà không có tác hại với người, gia súc, gia cầm.

Cũng có một số ý kiến bày tỏ sự quan ngại về việc, nếu đem cây trồng biến đổi gen về đồng đất nước ta trồng sẽ gây nhiều nguy hại cho môi trường, ảnh hưởng tới các cây trồng khác. Theo GS, liệu có mối nguy hại này không?

– Khi tôi sang Philippines (nước đầu tiên ở Đông Nam Á cho trồng cây BĐG- PV), tôi thấy nông dân ở đây cũng có những thắc mắc giống như vậy, thậm chí có nơi còn biểu tình phản đối, nhưng các nhà khoa học đã giải thích để giúp nông dân yên tâm. Đến nay trên thế giới đã có 175,2 triệu ha cây trồng BĐG, trong đó châu Mỹ và Mỹ la tinh chiếm hơn một nửa diện tích cây trồng BĐG. Như vậy đến nay đã có 27 nước phát triển cây trồng BĐG, trong đó có 19 nước đang phát triển và 8 nước công nghiệp, với số lượng dân chiếm tới 4 tỷ người, trong đó có không ít nước có trình độ khoa học cao. Vì vậy nông dân Philippines không sợ nữa. Các nước tiên tiến như thế và đông dân như thế họ còn không sợ thì việc gì mình phải sợ.

gs nguyen lan dung thuc pham bien doi gen an toan voi nguoi tieu dung 2
Ngô biến đổi gen được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoàn toàn an toàn với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng phải nói rõ mình trồng cây BĐG nhưng không phải là trồng bừa bãi, mà có ngăn cách, trong kiểm soát, loại bỏ gen không thích hợp mà chỉ chọn lọc những gen thích hợp để đưa vào.

Cây trồng BĐG hoàn toàn an toàn, không có tác hại gì tới con người. Cho tới nay không có công trình nào cho thấy sự mất an toàn. Chỉ có 1 công trình là thí nghiệm trên chuột tạo ra bệnh ưng thư, nhưng về sau các nhà khoa học đã chứng minh thí nghiệm này là sai hoặc có mục đích xấu là ngay từ đầu đã chọn chuột thí nghiệm gây ung thư.

Gần đây khi đi chợ, rất nhiều người thắc mắc, không biết sản phẩm nào là biến đổi gen. Xin hỏi GS, ở nước ta đến nay đã có quy định dán nhãn bắt buộc đối với thực phẩm biến đổi gen chưa để người tiêu dùng có thể lựa chọn?

– Chúng ta cũng thực hiện theo quy định quốc tế, tức nếu sản phẩm nào có quá 5% thành phần là từ nguyên liệu BĐG, thì phải dán nhãn thực phẩm BĐG. Điều này là để tôn trọng người tiêu dùng, để họ có quyền lựa chọn. Nói chung, theo tôi biết hiện nay mới có thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu tương) và bông là có cây trồng BĐG, còn sản phẩm chế biến trong siêu thị hầu như chưa có. Riêng quả đu đủ Hồng Phi của Đài Loan tuy là cây BĐG, nhưng không phải là cây BĐG được biến đổi bằng công nghệ sinh học, mà người ta tạo giống đu đủ này theo phương pháp lai giống, chứ không phải là đưa gen chủ động bằng phương pháp bắn gen hay chuyển qua vi khuẩn Agrobacterium vào.

Nếu sau này, chúng ta đưa sản phẩm vào siêu thị với thành phần BĐG nhiều, trên 5% thì phải dán nhãn. Thực ra, cũng chẳng có gì độc hại, nhưng cũng nên dán nhãn để ai thích thì mua, không thích thì thôi. Tôi cũng xin nói lại, các sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ sản phẩm BĐG là hoàn toàn an toàn.

Dư luận gần đây nhiều người cho rằng, trên thế giới chưa nhiều nước trồng cây BĐG, tại sao nước ta lại cho trồng. Thậm chí có ý kiến nặng nề hơn còn cho rằng, người Việt Nam đang bị đem ra để thử đối với cây BĐG. Cá nhân GS đánh giá những ý kiến này thế nào?

– Nhiều người cũng hỏi, tôi thế giới có hơn 200 nước, nhưng sao mới chỉ có 27 nước trồng cây BĐG?. Vấn đề ở chỗ 27 nước này chiếm tới 4 tỷ trên 7 tỷ dân, đâu phải là ít và gồm 8 nước phát triển và 19 nước đang phát triển. Có những nước không cần trồng cây BĐG vì họ không có nhu cầu cao về lương thực thực phẩm, ví dụ như các nước ở Bắc Âu, Đông Âu, Nga, Hàn Quốc… Họ bán sản phẩm công nghệ cao như TV, ô tô, máy tính… đã thừa sức mua lương thực, thực phẩm cho nên họ không có nhu cầu ứng dụng cây trồng BĐG.

Xin cảm ơn GS!

Theo: Vusta

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *