Biến đổi gen: Nên quay lưng hay đối mặt?

0

Nếu Trung Quốc cho phép và sản sinh ra một thế hệ trẻ em vượt trội mọi mặt nhờ công nghệ biến đổi gen (GMO), thì liệu Nhật Bản, Hàn Quốc, hay thậm chí Mỹ, Nga có chịu ngồi yên để tương lai dân tộc mình sẽ trở thành công dân hạng hai ngay trên quê hương mình không?

Biến đổi gen: Nên quay lưng hay đối mặt?
Ảnh minh họa hoạt động biến đổi gen trong phòng thí nghiệm.Nguồn: Internet

Trên các trang mạng của mình, Tiến sĩ Lê Hồng Giang, một chuyên gia tài chính tại Úc, đặt câu hỏi về một vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay đối với công nghệ biến đổi gen. Công nghệ GMO hiện không dừng lại ở việc tạo ra những giống cây trồng và vật nuôi mới trong chuỗi thực phẩm của con người mà còn can thiệp vào phôi thai người với tham vọng tạo ra những thế hệ “X-men” (người đột biến – tên một loạt phim ăn khách của Hollywood) có năng lực vượt trội trong tương lai.

Sửa gen trong phôi thai người

Tháng 2 vừa qua, các cơ quan quản lý y tế và khoa học của Anh đã chấp thuận cho thực hiện dự án “sửa lại gen ngay trong phôi thai người”.

Theo BBC, Anh là quốc gia đầu tiên có quy chế cho sửa lại gen trong phôi thai. Viện Francis Crick (mang tên nhà khoa học đạt giải Nobel vì phát hiện ra cấu trúc ADN năm 1953) ở thủ đô London được phép tiến hành thử nghiệm này.

Công nghệ giải mã và can thiệp vào bộ gen di truyền của con người đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Người ta lo sợ rằng, bên cạnh việc ứng dụng phương pháp sửa chữa gen khuyết tật để diệt trừ bệnh di truyền ở trẻ sơ sinh, công nghệ này có thể bị lợi dụng để tạo ra những đứa trẻ với đặc tính di truyền do cha mẹ lựa chọn.

Nhưng mới đây, trên tờ Business Insider, Giáo sư James D. Miller của khoa Kinh tế Đại học Smith lại có một cách nhìn mới. Ông cho rằng, biến đổi gen là một điều không thể tránh khỏi và các công nghệ chỉnh sửa gen mới chính xác sẽ cho phép các bệnh viện phụ sản thêm vào phôi bộ gen biến thể có lợi mà cha mẹ của em bé không sở hữu. Điều này, theo ông Miller là giúp ích cho sự phát triển.

“Một khi chúng ta hiểu được cấu trúc di truyền của trí tuệ con người, các cặp vợ chồng có thể sẽ sử dụng công nghệ để tăng chỉ số IQ trung bình cho con cái của họ”, GS. Miller nói.

Ông cho rằng, khi vài bậc cha mẹ bất cứ nơi nào trên thế giới sử dụng lựa chọn phôi thai hoặc chỉnh sửa gen để tạo ra các trẻ em thông minh hơn, nhiều phụ huynh khác sẽ cảm thấy bắt buộc phải làm theo.

GS Miller cho biết, chỉ số IQ sẽ tạo sự khác biệt rất lớn đến cuộc sống của mỗi người. Trong khi nhiều bậc cha mẹ giàu có sẵn sàng chi hàng chục ngàn đô la để cho con mình được thúc đẩy tiềm năng trong các trường tiểu học tốt, thì họ cũng có thể dành một khoản tiền ít hơn, nhưng cho kết quả tốt hơn đáng kể, để cải thiện IQ khi đứa trẻ còn chưa sinh ra.

Một cách nhìn khác

GS. Miller lập luận rằng, sau khi công nghệ chỉnh sửa gen phát triển, người ta có thể sẽ yêu cầu các chính phủ trợ cấp cho vấn đề kỹ thuật để đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội giữa con cái của những người giàu và người nghèo.

Những người bảo thủ ở Mỹ cũng sẽ ủng hộ công nghệ này bởi họ sợ rằng nếu không tăng chỉ số IQ cho thế hệ tiếp theo giống như các đối thủ, thì vị thế cạnh tranh của Mỹ về kinh tế và quân sự sẽ bị tụt hậu.

Ông Miller so sánh: nếu các công nhân, nhà khoa học, binh lính Trung Quốc có chỉ số IQ cao hơn người Mỹ 30 điểm, thì điều tốt nhất mà người Mỹ có thể hy vọng là một vị thế giống như Hồng Kông ngày nay.

Vị giáo sư này cho hay, trẻ em thông minh hơn cuối cùng sẽ làm thay đổi nền văn minh, nhưng sẽ phải mất một thời gian để các em lớn lên trước khi trí thông minh của chúng có thể thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và tăng trưởng kinh tế.

Theo ông, vào năm 2021, các bệnh viện có thể đạt được thành công trong việc giúp những đứa trẻ sơ sinh có thêm 15 điểm IQ so với việc sinh thường mà không sử dụng các biện pháp hỗ trợ. Trong vòng 10 năm, những đứa trẻ sẽ được giúp tăng thêm 50 điểm IQ. Cùng thời gian đó các bệnh viện cũng sẽ bổ sung nhiều đặc điểm hữu ích khác như tăng tinh thần làm việc, khả năng kháng bệnh, và trí tuệ cảm xúc cao hơn.

Những trẻ em được tăng cường chỉ số IQ sẽ trở thành công nhân có năng suất cực kỳ hiệu quả, làm cho thế giới giàu mạnh hơn.

Chính phủ sẽ vay tiền nhiều hơn bởi họ tin vào sự giàu có trong tương lai. Hiện nay, các chính phủ sợ làm gia tăng gánh nặng cho thế hệ tương lai với tỷ lệ nợ trên GDP quá cao và lo ngại rằng vay nợ quá nhiều sẽ khiến người ta đặt câu hỏi về tính khả thi của khả năng trả nợ. Nhưng những kỳ vọng vào một thế hệ thông minh hơn sẽ làm giảm cả hai mối lo ngại trên, và như vậy chính phủ sẽ đẩy mạnh việc vay tiền dù lãi suất ở cấp độ nào.

Tiền vốn có xu hướng tăng giá trị khi lực lượng lao động có kỹ năng và được đào tạo tốt hơn. Công nhân tăng năng suất sẽ khiến các doanh nghiệp muốn đầu tư nhiều hơn vào thiết bị và cơ sở hạ tầng.

Nhiều tài sản như bất động sản và tài sản trí tuệ trở thành có giá trị hơn, khiến cho kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều. Điều đó giúp các công ty chi nhiều hơn vào mua sắm và phát triển các tài sản, còn chính phủ muốn vay nhiều hơn khi họ nhận ra tiềm năng của con người.

Các cá nhân cũng sẽ giảm tỷ lệ tiết kiệm của họ khi họ nghĩ xã hội giàu hơn trong tương lai. Hiện nay, do lo ngại về vấn đề an sinh xã hội, nhiều người Mỹ có xu hướng tiết kiệm. Nhưng mối lo ngại này sẽ không còn khi mà công dân nhìn thấy những lợi ích mà chính phủ mang lại cho những người cao tuổi, trong một thế giới giàu có.

Quay lưng hay đối mặt?

Đó là viễn cảnh mà GS. Miller, một người ủng hộ công nghệ biến đổi gen, hình dung ra trong tương lai. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Trở lại với TS. Lê Hồng Giang, ông cho biết ông không tán thành chủ trương phải loại bỏ hoàn toàn GMO khỏi nguồn thực phẩm của nhân loại. Theo ông Giang, về mặt khoa học những bằng chứng về tác hại của GMO không hẳn rõ ràng. Hơn nữa ngay cả nếu các loại GMO hiện tại có hại cũng không có nghĩa khoa học/công nghệ GMO sẽ dừng ở đây.

“Trong 1-2 năm lại đây giới khoa học nói đến rất nhiều về một công nghệ mới là CRISPR/Cas9 có khả năng thay đổi gen vô cùng chính xác. Công nghệ này chắc chắn sẽ giảm thiểu các tác hại (về sức khỏe/môi trường) của GMO trong tương lai. Và CRISPR/Cas9 sẽ không phải là duy nhất và tốt nhất”, ông Giang nói.

Theo ông, đành rằng biến đổi gen với thực phẩm hay bào thai có nhiều rủi ro khôn lường, nhưng nếu đó là những điều không thể tránh khỏi thì cách tốt nhất là đối mặt với nó chứ không nên quay lưng lại.

TS. Lê Hồng Giang nêu một câu hỏi khác gần gũi hơn: Thử tưởng tượng nếu vài năm tới đồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn làm năng suất lúa gạo của Việt Nam tụt giảm trong khi châu Phi sử dụng một loại lúa GMO có khả năng chịu hạn cao, liệu Việt Nam có tiếp tục đứng ngoài trào lưu GMO hay không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *