Báo chí trong vấn đề an toàn thực phẩm: Khoảng cách giữa các vấn đề khoa học và nhận thức

0

 

Phóng viên Trần Cao – Báo Nông nghiệp Việt Nam trong buổi họp chia sẻ với Croplife châu Á về chủ đề Báo chí – Khoảng cách giữa các vấn đề khoa học và nhận thức

Nước mắt của bưởi

Năm 2007, 2 hãng tin lớn của Anh là BBC và Daily Mail cùng đưa thông tin phụ nữ ăn bưởi chùm làm gia tăng nguy cơ ung thư vú. Các thông tin nói trên dựa vào kết quả khảo sát của 2 trường đại học ở Mỹ trên 50.000 phụ nữ. Khảo sát này cho thấy phụ nữ mỗi ngày ăn 1/4 quả bưởi chùm trở lên, sẽ tăng nguy cơ bị ung thư vú lên 30%. Một điều rất đáng lưu ý ở đây, giống bưởi được khảo sát là bưởi chùm (Citrus Paradisi). Giống bưởi này không có liên quan gì tới các giống bưởi của Việt Nam như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi… (Citrus maxima), và cũng không hề được trồng ở Việt Nam.

Thế nhưng khi một số tờ báo Việt Nam dịch và đăng thông tin “ăn bưởi nhiều làm tăng nguy cơ bị ung thư vú”, lại không ghi rõ là bưởi chùm, mà chỉ ghi là bưởi. Những bài báo ấy ngay lập tức gây họa lớn cho trái bưởi Việt Nam khi nhiều người tiêu dùng quyết định ngừng ăn bưởi. Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi một số báo đưa thông tin trên, điều tra sơ bộ của Sở Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cho thấy người trồng bưởi tỉnh này đã bị thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Trong đó, riêng vùng chuyên canh trồng bưởi long cổ cò (1.000ha) bị thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng do giá loại bưởi này đang ở mức 8.000 – 10.000 đ/kg (vào thời điểm ấy) giảm xuống rất mạnh, có lúc chỉ còn hơn 1.000 đ/kg. Các vùng trồng bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre, hay bưởi Năm Roi ở tỉnh Vĩnh Long… cũng khốn đốn không kém vì vừa rất khó tiêu thụ, vừa bị rớt giá thê thảm.

Ngay cả khi các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đã lên tiếng khẳng định bưởi ở Việt Nam không có liên quan tới giống bưởi chùm trong nghiên cứu của 2 trường đại học Mỹ, và nhất là khi 4 tờ báo đăng tin “ăn nhiều tăng nguy cơ bị ung thư” đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu đính chính thông tin này, thì người trồng bưởi vẫn chưa hết lao đao. Bởi nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hết e ngại với bưởi và nhiều thương lái tiếp tục lợi dụng tâm lý e ngại đó để ép giá nông dân. Phải mất nhiều tháng sau đó, việc tiêu thụ và giá bưởi mới trở lại như bình thường.

Không độc bị mang tiếng độc

Cũng trong năm 2007, một số tờ báo cho rằng ăn trái sầu riêng có bôi Carbendazim (là thuốc trừ nấm phổ rộng, thuộc nhóm độc III) màu trắng ở đầu trái sẽ có nguy cơ bị ung thư. Thông tin này đã gây khó khăn không nhỏ cho người trồng sầu riêng vì rất khó bán được sản phẩm khi mà người tiêu dùng e ngại với loại trái cây này.

Việc nông dân bôi Carbendazim lên trái sầu riêng là có thật. Đó là “sáng kiến” của một số nông dân với mục đích bảo vệ trái sầu riêng khỏi bệnh thối trái. “Sáng kiến” này đúng là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi bôi Carbendazim như vậy, hàm lượng chất này tồn dư trên trái sầu riêng chỉ ở mức thấp, chưa quá ngưỡng an toàn. Vì thế, thông tin cho rằng ăn trái sầu riêng được bôi Carbendazim có nguy cơ bị ung thư là không chính xác. Cũng may trong vụ việc này, Cục Bảo vệ Thực vật và một cơ quan có liên quan đã nhanh chóng vào cuộc, lấy nhiều mẫu sầu riêng ở các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đem đi phân tích. Kết quả cho thấy các mẫu có dư lượng Carbendazim đều ở dưới ngưỡng cho phép, tức là an toàn với người tiêu dùng. Đồng thời, Viện Cây ăn quả Miền Nam cũng khuyến cáo nông dân không nên tiếp tục bôi Carbendazim lên trái sầu riêng. Nhờ đó, trái sầu riêng đã nhanh chóng thoát án oan gây ung thư.

Nhưng gần 10 năm sau, sầu riêng cùng nhiều loại trái cây khác lại vướng vào một “án oan” khác, liên quan đến chất làm trái cây nhanh chín. Cụ thể, trong năm 2015, rồi 2016, trên một số tờ báo, đã có một số bài viết cho rằng nông dân đang sử dụng hóa chất độc hại để làm trái cây nhanh chín. Thông tin đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ nhiều loại trái cây trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, nhất là các loại trái cây như mít, sầu riêng…

Sau khi nhiều tờ báo đăng tải các bài viết cho rằng nông dân và thương lái đang làm trái cây nhanh chín bằng chất độc hại, nhiều nước đã tăng cường kiểm tra trái cây, củ, quả nhập khẩu từ Việt Nam. Người tiêu dùng ở một số thị trường quan trọng như Mỹ, Trung Quốc… dè dặt hơn với trái cây Việt Nam. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp XK rau quả Việt Nam đã nhận được lời khuyên từ một số nhà NK rằng nên đưa hàng qua một doanh nghiệp trung gian ở nước thứ ba rồi từ đó mới đưa tới nước NK để tránh tiếng là hàng Việt Nam.

Trước tình hình đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Trang trại Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam cùng Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao đã phải tổ chức một buổi tọa đàm để minh oan cho chất làm trái cây nhanh chín Ethephon.

Tại buổi tọa đàm này, nhiều nhà khoa học có uy tín đều khẳng định chất làm trái cây nhanh chín Ethephon không hề độc hại như một số báo đã viết. Các nhà khoa học cho biết từ lâu Ethephon đã được nhiều nước trên thế giới cho sử dụng rộng rãi trong trồng trọt và sau thu hoạch nhằm điều hòa sinh trưởng cho cây trồng, giúp cho trái cây chín nhanh và chín đều hơn, qua đó giảm đáng kể chi phí thu hoạch. Ở Việt Nam, Ethephon là chất đã được đưa vào Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón ban hành kèm theo Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Gần đây nhất là việc trái xoài của Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung đang lâm vào tình cảnh khó khăn (giá giảm mạnh, khó tiêu thụ) do thông tin trên một số cơ quan báo chí cho rằng nông dân bao trái xoài bằng loại túi chứa chất độc hại. UBND tỉnh Tiền Giang đã phản ứng mạnh mẽ thông tin này và khẳng định đó là những thông tin thất thiệt. Cục Bảo vệ Thực vật cũng đã vào cuộc lấy mẫu túi bao trái để phân tích và không phát hiện một chất độc hại nào. Nhiều nhà khoa học về cây ăn trái cũng đã lên tiếng khẳng định túi bao trái không chứa các loại hóa chất.

Chuyện cái chổi quét rau

Nếu như những thông tin nói trên xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, thiếu kiểm chứng của một số phóng viên, biên tập viên, thì có những thông tin lại được người viết bịa đặt hoàn toàn, và tất nhiên đã gây tác hại không nhỏ tới đối tượng được phản ánh. Điển hình là clip dùng chổi quét rau do một phóng viên tập sự của một đài truyền hình Việt Nam tự dàn dựng. Clip được dựng rất khéo, giống như là được quay lén, nên khi được phát sóng đã gây ra một sự phẫn nộ không nhỏ của khán giả truyền hình đối với “hành vi” dùng chổi quét lên lá rau để làm giả rau bị sâu ăn (tức là rau không dùng thuốc trừ sâu) của một số nông dân xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Nhiều người tiêu dùng ngay lập tức quay lưng, tẩy chay rau có nguồn gốc từ xã Vĩnh Thành, khiến cho người trồng rau ở đây lâm vào khó khăn vì rất khó tiêu thụ sản phẩm, dù rau của họ đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sau khi bị lật tẩy là clip dàn dựng, đài truyền hình nọ tất nhiên đã bị xử phạt mấy chục triệu đồng, còn cô phóng viên nọ thì bị đình chỉ công việc. Nhưng những mức kỷ luật ấy, rõ ràng không thấm vào đâu so với thiệt hại mà người trồng rau ở Vĩnh Thành phải gánh chịu bởi cái họa từ… trên đài rớt xuống.

Cần đào tạo nhà báo am hiểu nông nghiệp

Có một thực tế là đa phần phóng viên đều xuất phát từ nông thôn, nhưng để viết báo chuẩn về nông nghiệp lại không hề dễ chút nào. Một số lĩnh vực như: Công nghệ biến đổi gen, lai tạo giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… nếu không am hiểu sẽ rất khó viết đúng, thậm chí trở thành chuyện cười.

Bao trái cho xoài hay bất kỳ loại trái cây nào khác là một kỹ thuật đã xưa cũ, nhưng người viết nói trên không biết hoặc cố tình không biết, gọi là “túi lạ” có thể gây ung thư. Còn cách đây 3 năm, ở tỉnh Long An thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, một doanh nghiệp tới đây thuê đất sản xuất giống lúa lai F1, trên ruộng có những hàng lúa bố lúa mẹ cao thấp khác nhau, lập tức một số tờ báo đưa tin sản xuất “lúa lạ”.

Ngay như trong câu chuyện khủng hoảng giá lợn hay giá một số loại rau đang diễn ra tại Việt Nam, trong báo chí cũng có hai luồng quan điểm. Một bên hô hào tìm cách giải cứu nông dân, một số lại phản đối việc giải cứu bởi sẽ can thiệp vào quy luật kinh tế thị trường. Đến lúc này mới nhận thấy vai trò định hướng của báo chí quan trọng đến mức nào, bởi hơn lúc nào hết người nông dân cần thông tin khách quan, đúng kinh tế thị trường để đưa ra những quyết định chính xác nhất.

Muốn thế, việc tập huấn, đào tạo, họp báo giới thiệu kỹ thuật, cây trồng mới… cần được ưu tiên hàng đầu, hợp tác đăng trên các tờ báo chuyên ngành có uy tín, tránh thông tin nhiễu loạn thiệt hại cho sản xuất và tiêu dùng.

“Nhiều vụ việc cụ thể do báo chí thông tin sai sự thật, không chính xác, đã gây
hoang mang, mất niềm tin cho người tiêu dùng. Nguyên nhân của những vụ việc
đáng tiếc này một là chủ quan, sơ suất, chạy theo thông tin mà chưa có kiểm
chứng của báo mạng; hoặc là do vô tình, sự am hiểu về kỹ thuật, các vấn đề
chuyên ngành của nhà báo chưa cặn kẽ, mơ hồ… đã gây nên thông tin một chiều,
thiếu chính xác…”

“Hiện nay mạng xã hội miễn phí khá nhiều. Bất cứ cá nhân nào cũng có thể đưa
những thông tin sai sự thật là đủ thực hiện mục đích gây sức ép, tiêu diệt ai đó (cá
nhân, nhãn hàng, doanh nghiệp…) mà họ muốn. Thông tin không ai kiểm duyệt.
Đám đông phẫn nộ. Doanh nghiệp thời nay rất dễ rơi vào bẫy truyền thông.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *