Bộ phim Food Evolution – Góc nhìn khách quan và khoa học về Thực phẩm Biến đổi gen

0

Tính an toàn của Thực phẩm Biến đổi gen (BĐG) là một trong những chủ đề rất được quan tâm từ cả phía các nhà khoa học và người tiêu dùng. Dù là phản đối hay ủng hộ, mỗi quan điểm đều có những lý lẽ riêng. Được ấp ủ và thực hiện bởi đạo diễn từng được đề cử Giải thưởng Hàn lâm Oscar – Scott Hamilton Kennedy – bộ phim FOOD EVOLUTION (tạm dịch: Sự Tiến hóa của Thực phẩm) mang đến một cái nhìn khách quan, trung lập về cuộc tranh luận mang nhiều quan điểm phân cực này.

Mang tư duy phản biện cao, FOOD EVOLUTION đặt ra những câu hỏi: Căn cứ vào đâu chúng ta biết được thực phẩm có an toàn hay không? Làm thế nào để nuôi sống dân số thế giới đang ngày một tăng trưởng? Làm thế nào để vừa phát triển nông nghiệp, vừa bảo vệ môi trường? Liệu Công nghệ sinh học có thực sự làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và góp phần bảo vệ đa dạng sinh học? Những dữ liệu và bằng chứng khoa học nào có thể trả lời được những câu hỏi này?

Xuyên suốt bộ phim là lời kể của Tiến sĩ Neil deGrasse Tyson, với cuộc hành trình đi từ những trang trại đu đủ tại Hawaii đến các cánh đồng chuối tại Uganda. Nội dung phim được xây dựng với nhiều quan điểm, bằng chứng khoa học, phỏng vấn các chuyên gia đầu ngành cũng như lồng ghép kinh nghiệm thực tiễn của nông dân – đã mang lại cái nhìn chân thực và khách quan nhất.

Ngài Robert Hanson - Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ
Ngài Robert Hanson – Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ

Khi được hỏi về FOOD EVOLUTION, Đạo diễn Scott Hamilton Kennedy cho biết: “Chắc chắn, tôi không phải là một người ủng hộ hay phản đối BĐG, tôi là một người tin vào khoa học!… Tôi không hy vọng bộ phim này có thể lật lại toàn bộ cuộc tranh cãi về BĐG. Đối với tôi, BĐG hay không BĐG, không có lựa chọn nào là hoàn hảo. FOOD EVOLUTION là một bộ phim đứng từ góc nhìn khách quan, mô tả sự khó khăn cũng như tầm quan trọng của việc chúng ta quyết định sẽ lựa chọn loại thực phẩm nào để nuôi sống chính mình và dân số toànthế giới theo cách an toàn, giàu dinh dưỡng và bền vững”.

Tiếp nối cam kết hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác nông nghiệp của CropLife Việt Nam, sự kiện công chiếu phim FOOD EVOLUTION lần này được tổ chức với mong muốn đưa những thảo luận chủ đề BĐG đến gần hơn với đối tượng các bạn trẻ. Sự kiện cũng tạo thêm cầu nối để những người tham dự cập nhật thông tin, góc nhìn khoa học đối với tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen cũng như các cách tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Đây cũng là cơ hội để các bạn học sinh, sinh viên có thể tương tác, trao đổi thêm với các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam, từ đó hình thành cho riêng mình tư duy khoa học, phản biện về đề tài này.

Food Evolution – Sinh viên tham dự

 “Bản thân tôi đến từ một gia đình làm nông nghiệp, được hưởng những lợi ích trực tiếp từ Công nghệ Sinh học (CNSH) ngay từ những ngày đầu tiên, khi Công nghệ này được giới thiệu vào 20 năm trước. Tôi đã được tận mắt chứng kiến CNSH tồn tại song song cùng các hệ thống nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp truyền thống. Trong những chuyến đi vòng quanh thế giới của mình, tôi cũng được quan sát trực tiếp những lợi ích của CNSH đối với người nông dân, người chăn nuôi gia súc cũng như người tiêu dùng tại Tây Phi, Châu Âu và khắp Châu Á. Năng suất tăng trưởng có được nhờ CNSH đã góp phần ổn định an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời giảm áp lực lên môi trường do việc phá rừng và mở rộng đất canh tác.” – Ngài Robert Hanson, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội chia sẻ tại sự kiện.

Ông Ngô Tiến Dũng, Giám đốc điều hành CropLife Việt Nam cho biết: “Mong muốn của CropLife khi tổ chức sự kiện này là để mỗi khán giả, mỗi người tham dự có thể đặt câu hỏi, thu nhận thêm dữ liệu, thông tin; hiểu các quan điểm và bản chất của các xung đột hiện nay liên quan tới chủ đề biến đổi gen và sau khi kết thúc chương trình hình thành quan điểm cho riêng mình.”

Báo cáo mới đây của Viện Hàn lâm Khoa Học Hoa Kỳ cho biết mức độ an toàn của Thực phẩm Biến đổi gen và không biến đổi gen là ngang nhau. Theo thông tin từ tổ chức ISAAA (Tổ chức Quốc tế về Tiếp thu các Ứng dụng CNSH trong Nông nghiệp), tính đến năm 2017, có 24 quốc gia cho phép canh tác cây trồng biến đổi gen với tổng diện tích canh tác là 189.8 triệu ha (tăng 3% so với năm 2016), lợi nhuận tăng thêm trên mỗi ha là 102 USD (tương đương với khoảng 2,3 triệu đồng). Ngoài ra, có 43 quốc gia khác (trong đó Châu Âu được tính là 1 quốc gia) đang sử dụng cây trồng biến đổi gen làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thực phẩm.

Tại Việt Nam, Thực phẩm Biến đổi gen đã và đang được quan tâm nghiên cứu và phát triển. Về mặt chính sách, một số văn bản chính thức đã được ban hành và trở thành cơ sở cho các hoạt động nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm biến đổi gen. Tiêu biểu phải kể đến Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó nêu rõ mục tiêu “Làm chủ được công nghệ gen nhằm tạo ra các thực phẩm biến đổi gen thực vật, động vật theo hướng có lợi”; hay “Chương trình trọng điểm phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, với mục tiêu phát triển công nghệ sinh học, tập trung vào công nghệ gen, đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất và đạt chỉ tiêu canh tác 30-50% diện tích là các giống cây trồng biến đổi gen.

*** Thông tin thêm về Cây trồng Công nghệ sinh học và Thực phẩm Biến đổi gen:

Cây trồng biến đổi gen (BĐG) (tiếng Anh: Genetically Modified Crop) là một thành tựu công là loại cây trồng được lai tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là kỹ thuật di truyền, công nghệ gene hay công nghệ DNA tái tổ hợp, để chuyển một hoặc một số gene chọn lọc để tạo ra cây trồng mang tính trạng mong muốn. Về mặt bản chất, các giống lai từ trước đến nay (hay còn gọi là giống truyền thống) đều là kết quả của quá trình cải biến di truyền. Điểm khác biệt duy nhất giữa giống lai truyền thống và giống chuyển gen là gen (DNA) được chọn lọc một cách chính xác dựa trên khoa học công nghệ hiện đại và chuyển vào giống cây trồng để đem lại một tính trạng mong muốn một cách có kiểm soát.

Thực phẩm BĐG, chính xác hơn là các loại thực phẩm có nguồn gốc từ cây trồng BĐG, đã có lịch sử hơn 30 năm nghiên cứu, đánh giá được ủng hộ mạnh mẽ bởi những bằng chứng khoa học và kết luận của cộng đồng khoa học toàn cầu và trên thực đã trải qua nhiều đánh giá và thử nghiệm hơn bất kì loại thực phẩm nào khác trong lịch sử nông nghiệp và luôn được thực hiện nghiêm ngặt theo những yêu cầu của các cơ quan quản lý khoa học và hướng dẫn của các cơ quan quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức hợp tác và phát triển quốc tế (OECD).

Thông tin liên hệ:

Đào Thu Vinh | CropLife Việt Nam | vinh.dao@croplifevietnam.org | +84983330209

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *